THỊT HEO THÁI TRÀN VÀO VIỆT NAM

TTO – Khuya 12-6, 317 con heo giống bố mẹ được Công ty TNHH MTV TM DV Thùy Dương Phát (Đồng Nai) nhập từ Thái Lan về trang trại Đồng Hiệp (xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu).

THỊT HEO THÁI TRÀN VÀO VIỆT NAMLô heo hậu bị đầu tiên được nhập trực tiếp từ Thái Lan về trại heo Đồng Hiệp, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai tối 12-6 – Ảnh: B.A.

Cả heo giống và heo sống nhập về đều được kiểm soát chặt chẽ an toàn dịch bệnh, nguồn heo cũng được cung cấp bởi các DN và trang trại quy mô lớn, được kiểm soát dịch bệnh rất tốt.

Ông Phùng Đức Tiến (thứ trưởng Bộ NN&PTNT)

Người chăn nuôi đang bị đối xử thiếu công bằng. Khi giá heo hơi giảm sâu, họ tự xoay xở, những gì mà cơ quan quản lý làm được chỉ là kêu gọi giải cứu heo. Khi giá heo tăng cao, người chăn nuôi bị xem như tội đồ.

Ông Nguyễn Kim Đoán (phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai)

Đây là lô heo giống đầu tiên trong số 80.000 con heo các loại, gồm cả heo thịt, sẽ được doanh nghiệp (DN) này nhập từ Thái Lan về VN. Một DN khác tại Đồng Nai cũng sẽ nhập khoảng 40.000 con heo từ Thái Lan, gồm cả heo giống bố mẹ và heo thịt.

3 giải pháp giảm giá thịt heo

Ông Nguyễn Hữu Thắng – đại diện nhóm các DN nhập khẩu heo tại Đồng Nai – cho biết đã đăng ký nhập khẩu 80.000 heo hậu bị và heo thịt từ Thái Lan về VN, nhằm phục vụ nhu cầu tái đàn và cung cấp thịt heo ra thị trường. 

Tuy nhiên, việc nhập khẩu cụ thể còn tùy thực tế và giá cả thị trường. “Chỉ cần nhập 1.000 con heo hậu bị, một năm sau sẽ được 24.000 con heo giống. Nếu nhập thêm heo sống để giết thịt, chắc chắn thị trường thịt heo sẽ hạ nhiệt” – ông Thắng nói.

Sau lô heo giống này, theo lãnh đạo Cục Thú y, lô heo thịt đầu tiên về VN khoảng 500 con vận chuyển bằng ôtô qua Campuchia về phía Nam vào đầu tuần tới. 

Tại buổi giám sát lô heo giống nhập khẩu vào đêm 12-6, ông Phùng Đức Tiến – thứ trưởng Bộ NN&PTNT – cho biết việc cho nhập bổ sung heo giống bố mẹ để tăng cường năng lực sản xuất giống là điều cần thiết, do đàn heo giống trong nước đã bị thiệt hại nặng trong đợt dịch tả heo châu Phi vào năm 2019.

Theo ông Tiến, có 3 giải pháp giảm giá thịt heo gồm nhập thịt heo đã giết mổ, heo giống bố mẹ và heo sống về giết thịt. Trong đó, tăng đàn tái đàn là giải pháp căn cơ nhất kể cả trước mắt và lâu dài. 

Trong 5 tháng đầu năm, theo báo cáo của các địa phương, đàn heo đã đạt 24,89 triệu con, bằng 80,3% so với 31-12-2018. Để đẩy nhanh việc tăng đàn, đòi hỏi phải nhập giống kể cả bố mẹ và cụ kỵ. Tuy nhiên, sớm nhất cũng phải mất tháng 6 mới có heo thịt, nguồn cung thịt heo trên thị trường vẫn thiếu.

Tính đến hết tháng 5-2020, cả nước đã nhập trên 70.000 tấn. Tuy nhiên, giá thịt heo vẫn cao, ảnh hưởng chỉ số giá tiêu dùng. Do đó, Bộ NN&PTNT quyết định cho nhập heo sống về để giết mổ từ ngày 12-6. Số heo (sống) thịt vào VN sẽ rất sớm với số lượng tương đối trong thời gian tới đây.

Giá heo nội địa có hạ nhiệt?

Ông Phạm Trần Sum – giám đốc Công ty TNHH dinh dưỡng quốc tế Việt Đức (Hà Nội) – cho biết công ty này đã đăng ký nhập khẩu 150.000 heo thịt từ Thái Lan và đang đợi Cục Thú y cấp phép để đưa về giết mổ cung ứng thịt ra thị trường. 

Theo ông Sum, khi heo (sống) từ Thái được nhập khẩu về VN sẽ kéo giá heo hơi trong nước xuống mức 80.000 đồng/kg.

“Xuống thấp hơn là khó, vì heo hơi Thái đã tăng 7.000 đồng/kg lên trên dưới 70.000 đồng/kg khi nghe tin VN cho nhập khẩu. Do đó rất khó để giảm giá heo nhập về bán ra dưới 80.000 đồng/kg, vì như thế sẽ không đảm bảo lợi nhuận và DN sẽ không nhập khẩu nữa” – ông Sum cho biết.

Chiều 12-6, ngay sau khi có thông tin cho phép nhập heo sống từ Thái Lan, giá heo hơi trong nước cũng giảm nhẹ, còn 86.000 – 88.000 đồng/kg, giảm 3.000 – 4.000 đồng/kg so với ngày trước đó và khoảng 11.000 đồng/kg so với đầu tháng. 

Giá heo mảnh (đã mổ, không đầu) bán ra tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM) cũng tiếp tục giảm, chỉ còn 97.000 – 110.000 đồng/kg tùy loại, giảm 10.000 – 13.000 đồng/kg so với mức cao tháng trước.

Theo các chuyên gia, giá heo trong nước có xu hướng giảm trong thời gian gần đây do lượng tiêu thụ thịt heo của người dân đã giảm vì giá thịt heo quá cao, bên cạnh đó là một lượng lớn heo nhập lậu từ Thái Lan qua biên giới Lào và Campuchia về VN và đặc biệt là sau khi Bộ NN&PTNT cho nhập khẩu heo kể từ 12-6.

Theo ông Nguyễn Ngọc An – tổng giám đốc Công ty Vissan (TP.HCM), việc cho phép nhập khẩu heo sống từ Thái Lan là quyết định đúng nhằm giúp hạ nhiệt giá heo hơi trong nước. 

“Giá heo hơi tại Thái Lan đang 55.000 – 60.000 đồng/kg, cộng với chi phí vận chuyển và quản lý dịch bệnh, giá thành về đến VN ở mức 80.000 đồng/kg, so với mức giá heo hơi trong nước hiện nay vẫn thấp hơn nhiều nên có thể giúp hạ nhiệt giá heo” – ông An nói.

Trong khi đó, theo ông Lê Xuân Huy – phó tổng giám đốc Công ty chăn nuôi C.P Việt Nam, việc nhập khẩu thịt heo đông lạnh với số lượng lớn thời gian qua vẫn không thể kéo giảm giá heo trong nước vì chiếm tỉ trọng nhỏ trong nguồn cung heo, trong khi người tiêu dùng vẫn quen dùng thịt nóng. Do đó, việc nhập khẩu heo sống là điều cần thiết để hạ nhiệt giá heo trong nước.

Tuy vậy, lượng heo nhập khẩu từ Thái Lan về sẽ không nhiều và có thể không kéo dài vì nguồn cung heo Thái Lan cũng hạn chế, chưa kể quốc gia này cũng có thể hạn chế xuất khẩu để bình ổn giá trong nước. 

“Dù nhiều hay ít, thông tin cho phép nhập khẩu heo sống khiến người chăn nuôi trong nước không dám găm hàng mà sẽ xuất bán nhiều hơn khi heo đạt trọng lượng, giá heo hơi nhờ vậy cũng sẽ giảm” – ông Huy nói.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT theo dõi đàn heo giống vừa nhập về trại heo Đồng Hiệp (Đồng Nai) tối 12-6 – Ảnh: B.A.

Chăn nuôi bị “phân biệt đối xử”?

Dù khẳng định người chăn nuôi trong nước ủng hộ việc tăng cung để giảm nhiệt cho giá thịt heo nhưng ông Âu Thanh Long – giám đốc một công ty chăn nuôi tại Đồng Nai – cho rằng việc nhập khẩu heo sống từ một quốc gia đang có dịch tả heo châu Phi về VN để giết mổ là quá rủi ro cho ngành chăn nuôi trong nước. 

Việc vận chuyển heo từ nguồn có dịch bệnh, lại qua các nước có dịch bệnh khác là Lào và Campuchia, cộng với môi trường chăn nuôi ở VN rất kém an toàn về dịch bệnh, sẽ là một rủi ro cực kỳ lớn cho người chăn nuôi.

Ngoài ra, theo ông Long, việc cho nhập khẩu heo sống Thái Lan sẽ làm chậm quá trình tái đàn của người chăn nuôi trong nước. Trong khi đó, tái đàn mới là biện pháp căn cơ và lâu dài để bình ổn giá heo bởi vì Thái Lan có nguồn heo giới hạn, giá của Thái Lan sẽ tăng lên khi VN nhập khẩu, chưa kể nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. 

“Ngành chăn nuôi heo VN đang trở nên rủi ro và khó dự đoán hơn bao giờ hết. Với tình hình này sẽ khó có ai dám đầu tư mở rộng đàn heo khi mà giá bán thời gian tới chắc chắn sẽ giảm, trong khi giá con giống đang ở mức rất cao” – ông Long khuyến cáo.

Ông Nguyễn Kim Đoán – phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai – cũng cho rằng Chính phủ và Bộ NN&PTNT có lý do để nhập khẩu heo Thái Lan. Nhưng với người chăn nuôi trong nước, đây là sự đối xử thiếu công bằng. 

Bởi khi giá heo hơi giảm xuống dưới giá thành rất sâu cách nay 3 năm, chỉ còn trên dưới 20.000 đồng/kg, tất cả những gì mà các cơ quan quản lý làm được chỉ là kêu gọi giải cứu heo, trong khi người chăn nuôi lâm vào cảnh thua lỗ, nợ nần.

Dịch tả heo châu Phi vào năm 2019 khiến cho hàng chục triệu con heo phải tiêu hủy, người chăn nuôi lại thêm một lần thua lỗ nặng, đến nay vẫn chưa gượng dậy được. 

“Lúc giá heo giảm mạnh, người chăn nuôi phải tự xoay xở. Đến khi giá heo tăng vì thiếu, người chăn nuôi bị quy kết cứ như tội đồ” – ông Đoán nói, đồng thời cho rằng việc tái đàn chắc chắn sẽ bị chậm lại bởi đang tiềm ẩn nhiều rủi ro như giá con giống cao, nguy cơ dịch bệnh từ đàn heo sống được nhập về.

Giám đốc một công ty chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài cũng cho rằng người chăn nuôi trong nước bị đối xử không công bằng. “Vì sao DN trong nước bị giới hạn giá bán ra, trong khi giá heo Thái lại được quyền tự do giá bán? Như vậy là đối xử bất công với người chăn nuôi trong nước” – vị này nói.

Tái đàn heo: người chăn nuôi bị làm khó

Ngày 2-6, Bộ NN&PTNT đã có công văn đề nghị chủ tịch UBND các địa phương chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các cấp có giải pháp để tái đàn và tăng đàn heo, đảm bảo nguồn cung thịt heo. Các địa phương phải có chính sách hỗ trợ về đất đai, lãi suất vốn vay, tạo điều kiện thuận lợi nhằm tăng cường tái đàn và tăng đàn heo.

“Phải kịp thời công bố hết dịch khi đủ điều kiện để các cơ sở chăn nuôi tái đàn, tăng đàn đảm bảo an toàn sinh học. Có chính sách hỗ trợ cụ thể cho việc tái đàn và tăng đàn”, văn bản đề xuất.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Ngọc – phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, việc tăng đàn đang gặp khó khi triển khai trong thực tế. “Nếu nuôi ở trại cũ, rủi ro rất cao vì từng nhiễm dịch tả châu Phi. Còn việc đầu tư trang trại mới cũng khó do các địa phương hầu như không cấp phép do lo ngại ô nhiễm” – ông Ngọc nói.

Về phía người nuôi, hơn một năm qua ông Phan Văn Đạt (ở Biên Hòa, Đồng Nai) đi khắp nơi để tìm nơi xây trang trại chăn nuôi heo quy mô công nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa tìm được do các địa phương đều từ chối. “Các địa phương đều không muốn cho xây trại heo nữa do lo ngại ô nhiễm” – ông Đạt cho hay.

Nhập khẩu heo đông lạnh tăng hơn 300%

Theo Bộ NN&PTNT, trong 5 tháng đầu năm nay, VN đã nhập khẩu trên 70.000 tấn thịt heo đông lạnh, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, do nguồn heo của cả thế giới giảm gần 12% nên việc tìm được các nguồn cung cấp với giá hợp lý gặp khó khăn.

Trong khi đó, các nhà nhập khẩu Trung Quốc (ngành chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề do dịch tả heo châu Phi) sẵn sàng trả giá cao hơn (20 – 30%) so với các doanh nghiệp VN để lấy hàng với số lượng rất lớn. Chỉ tính riêng quý 1-2020, Trung Quốc đã nhập khoảng 1 triệu tấn thịt heo từ các quốc gia khác.

Do đó hoạt động nhập khẩu thịt heo của VN bị ảnh hưởng, rồi đại dịch Covid-19 buộc cho các nhà máy giết mổ gia súc phải đóng cửa, hoạt động thương mại bị đình trệ, trong đó có việc nhập khẩu thịt heo.

“Không để người dân chỉ được ăn thịt heo giá rẻ trên tivi”

Tại phiên thảo thuận về kinh tế – xã hội của Quốc hội ngày 13-6, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Hoàng Quang Hàm (đại biểu Phú Thọ) cho rằng điều tiết giá cả là cấp bách để đảm bảo ổn định đời sống nhân dân nhưng không thể bằng mệnh lệnh hành chính.

Những mặt hàng do thị trường quyết định giá, phải nghiên cứu xem tăng giá do nguyên nhân nào để có biện pháp hỗ trợ cần thiết.

“Không nên để suốt thời gian qua dư luận cho rằng người dân chỉ được ăn thịt heo giá rẻ trên tivi” – ông Hàm nói.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết do ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi, tổng đàn heo cả nước bị thiệt hại gần 6 triệu con, tương đương 20% đàn và lượng thịt giảm 9,6%. Tuy nhiên, việc tái đàn nhanh tiềm ẩn nhiều rủi ro vì nguy cơ dịch bệnh vẫn rất cao, chưa kể giá con giống đang khá cao.

Tuy nhiên, ông Cường cho rằng không thể chỉ tập trung ăn thịt heo mà cần đa dạng thực phẩm, vừa bổ dưỡng vừa giảm áp lực cho ngành chăn nuôi.

 

Theo báo Tuổi trẻ

Leave a Reply