Nhà mua hàng từ 70 quốc gia đổ về TP.HCM

Diễn đàn và Hội chợ xuất khẩu TP.HCM diễn ra ngày 25-28/5, dự kiến quy tụ khoảng 3.000 khách nước ngoài từ 70 quốc gia, trong đó có những thị trường trọng điểm của Việt Nam.

Hàng nghìn lượt khách đến từ các quốc gia nhập khẩu trọng điểm như Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu… đến tìm hiểu về sản phẩm Việt Nam. Ảnh: SCT.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, mặc dù là năm đầu tiên tổ chức, diễn đàn xuất khẩu đa ngành của TP có thể chào đón khoảng 3.000 khách quốc tế đến từ 70 quốc gia.

Trong đó, đã có hơn 1.000 lượt khách đăng ký trước đến từ các quốc gia nhập khẩu trọng điểm như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, các văn phòng đại diện tại Việt Nam…

Đồng thời, hội chợ cũng đón tiếp các đoàn mua hàng đến từ Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Campuchia… đang có nhu cầu tìm kiếm sản phẩm nông sản, thực phẩm và đồ uống, dệt may, thủ công mỹ nghệ, cao su nhựa…

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Các thị trường xuất khẩu cơ bản đã mở cửa thông thương nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến động khó lường từ hệ lụy của dịch Covid-19 cùng với những bất ổn về chính trị, chiến tranh thương mại gay gắt, suy thoái kinh tế, lạm phát cao khiến sức mua, niềm tin tiêu dùng giảm sút.

 

xuat khau, tphcm anh 1
Lãnh đạo Bộ Công Thương, TP.HCM, Sở Công Thương và doanh nghiệp đồng hành cùng khai mạc hội chợ. Ảnh: MSN.

“Trong bối cảnh các chuỗi cung ứng toàn cầu còn đang sắp xếp lại, nhiều quốc gia tăng cường chính sách bảo hộ, rào cản thương mại, cần thường xuyên cập nhật thông tin, dự báo tình hình làm cơ sở cho việc điều chỉnh ngắn hạn cũng như tìm ra những giải pháp dài hạn trong sản xuất, xuất khẩu”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Đồng thời, ông cho rằng các doanh nghiệp cũng cần thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa hình thức xúc tiến thương mại phù hợp với những xu hướng chuyển đổi lớn trên thế giới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi công nghệ…

Cũng tại hội chợ, đại diện Công ty CP Gỗ Minh Dương cho biết lượng đơn hàng 4 tháng đầu năm nay giảm khoảng 30% so với cùng kỳ các năm trước. Dù vậy, doanh nghiệp đã bắt đầu nhận được một số đơn hàng cho mùa cuối năm.

Bà Đinh Hồng Vân – Giám đốc Marketing cấp cao Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) cũng cho biết doanh nghiệp đang đẩy mạnh chiến lược xuất khẩu các sản phẩm tiêu biểu ra thế giới.

“Chúng tôi nhắm tới mục tiêu 15% doanh số năm 2027 tới từ kinh doanh quốc tế. Hiện tại chỉ là 4%, như vậy mỗi năm phải thêm 2-3% trong phần tỷ trọng này”, bà Vân chia sẻ.

Hiện tại, bên cạnh một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất là Nhật Bản, Masan Consumer cũng đang có kế hoạch thâm nhập nhiều thị trường phát triển khác trên thế giới như Hàn Quốc, Australia, châu Âu và Bắc Mỹ.

Đánh giá về sản phẩm Việt Nam, ông Michele D’Ercole, Chủ tịch Phòng Thương mại Italy tại Việt Nam nhìn nhận các doanh nghiệp đang ngày càng cải thiện về chất lượng lẫn giá trị sản phẩm. Ông cũng coi hội chợ lần này là cơ hội tốt để các doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu… Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Nguồn: Zingnews

Leave a Reply