Chuyển đổi số – Khai mở toàn bộ tiềm năng nền tảng Tiêu dùng – Bán lẻ – Công nghệ của Masan

Số hóa và tự động hóa toàn diện – “Go Digital” là mảnh ghép chiến lược cuối cùng trong hành trình tối ưu toàn bộ chuỗi giá trị của Masan.


Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Quang phát biểu tại sự kiện.

Ngày 25/4, CTCP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) và hai công ty thành viên Masan Consumer (HNX-UPCoM: MCH), Masan MEATLife (HNX-UPCoM: MML) đã đồng tổ chức Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “What We Make. Makes Us. Made for You”.

Chia sẻ về cam kết mạnh mẽ tăng trưởng song hành cùng sự phát triển bền vững, ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan Group nhấn mạnh rằng Masan đã thực hiện đúng lời hứa về kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2024. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, Masan đã khẳng định cam kết về sự xuất sắc trong vận hành và duy trì sự tập trung bền bỉ vào tăng trưởng lợi nhuận.

Theo ông Danny Le: “Tại Đại hội đồng cổ đông năm trước, chúng tôi đã cam kết với các cổ đông rằng Masan sẽ quay lại con đường tăng trưởng có lợi nhuận, và chúng tôi tự hào đã thực hiện được điều này trong năm 2024. Masan Consumer (MH) đã ghi nhận mức tăng trưởng gần hai con số về doanh thu và lợi nhuận, trong khi WinCommerce (WCM) và (MML) đều mang về lợi nhuận.

Điều này chứng minh rằng tăng trưởng và lợi nhuận hoàn toàn có thể song hành cùng nhau. Kết quả quý 1/2025 càng khẳng định sức mạnh của quá trình chuyển đổi này. Nhìn về tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào việc mở rộng quy mô mạnh mẽ các trụ cột tăng trưởng với lợi nhuận bền vững và chiến lược “Go Digital” (Chuyển đổi số) sẽ là động lực giúp chúng tôi khai thác tối đa hiệu quả cộng hưởng giữa các nền tảng Tiêu dùng – Bán lẻ – Công nghệ”.


Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Quang chia sẻ cùng cổ đông.

 

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Quang chia sẻ: “Chuyển đổi số chính là mảnh ghép còn thiếu để Masan vươn mình từ hình ảnh một tập đoàn truyền thống, xóa bỏ định kiến “đa ngành”, và khẳng định vị thế là một nền tảng trải nghiệm tiêu dùng tích hợp – như Walmart, Amazon, Alibaba, Reliance hay Apple đã làm được”.

Năm 2025 đánh dấu giai đoạn 2 của hành trình chuyển đổi, tập trung mở rộng mô hình kinh doanh Mạng lưới – Thị phần chi tiêu – Hội viên một cách có lợi nhuận, với số hóa toàn diện và tự động hóa vận hành là mảnh ghép chiến lược cuối cùng.

Theo đó, WCM đã xây dựng mô hình cửa hàng tối ưu, phù hợp với mọi khu vực tại Việt Nam, đạt biên EBITDA cửa hàng trung bình ~7%, đạt điểm hòa vốn doanh thu thấp nhất Đông Nam Á. WCM đạt hiệu quả ở mô hình cửa hàng Nông thôn (Rural) để chiếm lĩnh thị phần tiềm năng và liên tục duy trì đà tăng trưởng hai con số.

Trong năm 2025, WCM tập trung mở rộng mạng lưới, mục tiêu đạt 4.500+ điểm bán vào cuối năm, tương đương mở trung bình ~2 cửa hàng mới mỗi ngày, trong đó 1.900 cửa hàng được mở ở khu vực nông thôn. Kết quả tích cực của các cửa hàng mới mở mang lại sự tự tin cho WCM trong việc đạt được biên lợi nhuận sau thuế 1% trong năm nay.


Ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan Group chia sẻ chiến lược của Masan

 

Bên cạnh đó, WCM đang thí điểm mô hình WiN+ hợp tác với các đối tác bán lẻ truyền thống, cung cấp danh mục sản phẩm thiết yếu và ưu đãi trung thành cho đối tác và người tiêu dùng.

Đồng thời, chiến lược cao cấp hóa được triển khai trong ngành hàng Gia vị với danh mục sản phẩm thuộc CHIN-SU & Nam Ngư, mở rộng thị trường sang các bữa ăn ngoài gia đình trong ngành hàng thực phẩm tiện lợi, phát triển thương hiệu sang các thị trường liền kề và chiến lược “Go Global” sẽ là những động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng bứt phá của các “Thương hiệu mạnh”.

Quý I/2025, sản phẩm thịt có thương hiệu đã chiếm 56% tổng doanh số ngành hàng này trong chuỗi WCM. Trong giai đoạn tiếp theo, MML dự kiến sẽ hợp tác chặt chẽ với WCM để đưa các sản phẩm thịt tiếp cận kênh bán lẻ truyền thống thông qua hệ thống WiN+, hướng đến mục tiêu chinh phục cơ hội trị giá 2 tỷ USD.

Chương trình Hội viên WiN, với 11 triệu hội viên, đang từng bước chuyển mình từ một nền tảng khuyến mãi tập trung vào hàng tươi sống trở thành một hệ sinh thái khách hàng thân thiết toàn diện – tích hợp các dịch vụ tài chính, tiêu dùng và phong cách sống do Masan phát triển.

Số hóa và tự động hóa toàn diện – “Go Digital” là mảnh ghép chiến lược cuối cùng trong hành trình tối ưu toàn bộ chuỗi giá trị của Masan, từ hoạch định, sản xuất, phân phối đến bán lẻ và tương tác người tiêu dùng trên quy mô lớn.


Bà Nguyễn Thị Phương, Tổng Giám đốc WinCommerce phát biểu tại sự kiện.

 

Chiến lược này giúp Masan xây dựng một “bản sao số” (digital twin) của toàn bộ hoạt động vận hành – từ chuỗi cung ứng, sản xuất sản phẩm đến hoạt động tại điểm bán và tiếp xúc khách hàng. Việc tích hợp công nghệ AI & ML (Trí tuệ nhân tạo và máy học) giúp tự động hóa quy trình, nâng cao hiệu quả và tốc độ ra quyết định.

Khi các mảnh ghép chiến lược được hoàn thiện, Masan hướng đến  lợi nhuận vượt trội – với tăng trưởng lợi nhuận đạt 20%, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) 20% và tỷ lệ nợ ròng trên EBITDA ở mức 2x.

Tại sự kiện, Bà Nguyễn Thị Phương, Tổng Giám đốc WinCommerce (WCM), chia sẻ về những kết quả nổi bật sau quá trình tái cơ cấu, đánh dấu cột mốc quan trọng khi WCM lần đầu tiên đạt lợi nhuận sau thuế dương trong năm 2024.

Theo bà Phương, WinCommerce đã và đang bắt đầu hành trình chuyển đổi để hướng đến tăng trưởng có lợi nhuận một cách bền vững. Dựa trên nền tảng công nghệ và hệ sinh thái thương hiệu mạnh từ Masan, WCM đang từng bước xây dựng nền tảng “New Commerce” – một mô hình bán lẻ hiện đại, hiệu quả và gắn kết với người tiêu dùng Việt Nam thông qua năm trụ cột chiến lược gồm: Độ phủ toàn quốc; Tăng trưởng có lợi nhuận; Giải pháp mua sắm hàng ngày; Bán lẻ công nghệ; Điểm chạm dịch vụ.

Một trụ cột quan trọng khác trong quá trình chuyển đổi của WCM chính là nguồn nhân lực. Thông qua chương trình ESOP vừa được triển khai, cửa hàng trường có cơ hội trở thành cổ đông của WCM – từ đó củng cố tinh thần trách nhiệm, cam kết dài hạn và khuyến khích tư duy làm chủ trong toàn hệ thống.


Ông Trương Công Thắng – Tổng Giám đốc Masan Consumer.

Cũng trong sự kiện, ông Trương Công Thắng – Tổng Giám đốc Masan Consumer (MCH) – khẳng định vị thế của MCH là “Dẫn đầu nội địa – Bước ra thế giới”, đồng thời chia sẻ chiến lược nhằm tạo ra giá trị vượt trội cho cổ đông.

Theo ông Thắng, trong năm 2024, MCH đã phục vụ hơn 72 tỷ bữa ăn thông qua sản phẩm nước mắm và phân phối hơn 2,4 tỷ sản phẩm thực phẩm tiện lợi. Với độ phủ ấn tượng tại 98% hộ gia đình Việt và hiện diện tại 26 thị trường quốc tế, MCH đang sẵn sàng bước vào chương tiếp theo trên hành trình “Dẫn đầu nội địa – Bước ra thế giới”.

Chiến lược của MCH tiếp tục chứng tỏ hiệu quả vượt trội, với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng CAGR đạt 20% trong giai đoạn 2022 – 2024. Do đó, công ty duy trì biên lợi nhuận dẫn đầu ngành với biên lợi nhuận gộp 46% và biên EBITDA đạt 27%.

Những kết quả này là thành quả từ một chiến lược nhất quán, kết hợp giữa các yếu tố then chốt: Sản phẩm đột phá; Thương hiệu mạnh; Chiến thắng tại điểm bán lẻ; Tập trung cốt lõi, tối đa giá trị với tinh thần “Fewer – Faster – Bigger” và Mô hình tài chính vượt trội.

Ông Thắng cho rằng, dựa trên vòng xoay chiến lược này, MCH tập trung vào các yếu tố động lực chiến lược để duy trì đà tăng trưởng: củng cố vị thế dẫn đầu trong ngành tiêu dùng tại gia (thúc đẩy cao cấp hóa trong ngành hàng Gia vị và Thực phẩm tiện lợi, mở rộng thị phần trong ngành hàng Chăm sóc gia đình và cá nhân); đồng thời mở rộng sang các dòng sản phẩm tiêu dùng ngoài gia đình (Triển khai các đổi mới trong ngành hàng Thực phẩm tiện lợi và Đồ uống) và thực thi chiến lược “Go Global”.


Bà Đinh Hồng Vân – Giám đốc Marketing cấp cao ngành hàng Gia vị.

Đặc biệt, để khẳng định rõ vị thế “Dẫn đầu nội địa – Bước ra thế giới”, MCH ghi nhận doanh thu 1.300 tỷ đồng từ 26 thị trường quốc tế, tăng trưởng 22% so với năm trước, với biên lợi nhuận lành mạnh đạt 30%.

Bà Đinh Hồng Vân – Giám đốc Marketing cấp cao ngành hàng Gia vị cũng chia sẻ về việc tiếp tục chiến lược cao cấp hóa của CHIN-SU nhằm củng cố thị trường ngành hàng gia vị không thương hiệu tại Việt Nam, đồng thời chuẩn bị cho chiến lược “Go Global”.

Bà Vân đã giới thiệu các sản phẩm mới thuộc thương hiệu CHIN-SU nhằm củng cố hiện diện trên kệ hàng và mang đến danh mục giải pháp nấu ăn toàn diện hơn cho người tiêu dùng. Bên cạnh các dòng nước chấm và xốt ướp, CHIN-SU hiện đã mở rộng sang sản phẩm dầu ăn và các gia vị thiết yếu khác.


Sản phẩm mới Omachi mang tên “Quán Xá Châu Á”.

Bà Nguyễn Trương Kim Phượng – Giám đốc Marketing cấp cao ngành hàng Thực phẩm tiện lợi giới thiệu về giai đoạn tiếp theo trong chiến lược Thay thế bữa ăn tại nhà và Thay thế bữa ăn tại nhà hàng của MCH, với việc ra mắt danh mục mới của Omachi mang tên “Quán Xá Châu Á” (Ẩm thực đường phố châu Á).

Sáng kiến này hướng đến thị trường bữa ăn với mức giá dễ tiếp cận chỉ 1 USD, ứng dụng công nghệ tiên tiến đã áp dụng trong các sản phẩm như lẩu tự sôi và cơm tự chín, mang đến những bữa ăn tiện lợi, chất lượng cao với chi phí hợp lý và thị trường tiềm năng rộng lớn.

Năm 2024 đánh dấu hoàn tất giai đoạn 1 trong hành trình chuyển đổi của Masan từ một công ty hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) thành một nền tảng tích hợp Tiêu dùng – Bán lẻ – Công nghệ kể từ năm 2020.

Theo Bnews

Leave a Reply