Tìm giải pháp phát triển bền vững hệ thống phân phối thực phẩm an toàn
Theo các chuyên gia, để xây dựng mạng lưới và chuỗi kinh doanh thực phẩm an toàn, cần có sự vào cuộc đều tay từ các bộ, ngành và cơ quan chức năng.
Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg và Chương trình Mục tiêu Y tế-Dân số năm 2020, thời gian qua, Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương đã triển khai nhiều nội dung về phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.
Cụ thể, đã hỗ trợ phát triển nhiều hệ thống phân phối thực phẩm an toàn trên phạm vi cả nước. Cùng với đó, hình thành xu hướng tiêu dùng, mua sắm tại các cơ sở phân phối theo phương thức hiện đại ngày càng phát triển, mạng lưới các cơ sở kinh doanh thực phẩm của nước ta cũng tăng dần hàng năm về số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn chưa đồng đều và toàn diện. Làm thế nào để đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn và bền vững? Đây là nội dung được các chuyên gia đưa ra thảo luận tại Tọa đàm Phát triển bền vững hệ thống phân phối thực phẩm an toàn do Tạp chí Công Thương tổ chức hôm 7/12, tại Hà Nội.
Chia sẻ tại tọa đàm, bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương triển khai rất nhiều hoạt động về tập huấn, tuyên truyền phổ biến cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương, nhất là các Sở Công Thương xây dựng hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng lồng ghép những hoạt động về an toàn thực phẩm vào những chương trình lớn về kinh tế-xã hội. Chẳng hạn như thu hút vốn đầu tư nước ngoài, xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống phân phối; lồng ghép vào chương trình Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, chương trình về phát triển kinh tế-xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chương trình hỗ trợ cho phát triển nông thôn mới…
“Đáng lưu ý, năm nay với Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã bước sang giai đoạn “Tinh hoa Việt Nam”. Hầu hết sản phẩm đều là hàng Việt, đủ chuẩn xuất khẩu ra nước ngoài hoặc đạt thương hiệu cao mang tầm quốc gia, khu vực để đưa vào hệ thống phân phối trong nước, bảo đảm an toàn thực phẩm”, bà Lê Việt Nga chia sẻ.
Tuy nhiên, bà Lê Việt Nga cho biết, quá trình triển khai hệ thống phân phối an toàn thực phẩm gặp không ít những khó khăn.
“Khó khăn thì vô cùng nhiều. Bởi chúng ta biết rằng nền sản xuất cũng như kinh doanh tại Việt Nam thì doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh còn chiếm đến hơn 97%, chúng ta cũng biết rằng chợ đầu mối, chợ dân sinh vẫn là nơi 70% thực phẩm đi qua và việc kiểm soát, tuân thủ pháp luật của bà con tiểu thương ở đây vẫn còn rất nhiều bất cập, chúng ta còn phải cần rất nhiều thời gian nữa để tập huấn kiến thức cho bà con phân biệt được hàng hóa thế nào là thực phẩm bảo đảm nguồn gốc xuất xứ và bảo đảm an toàn thực phẩm…”
Bà Lê Việt Nga cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc kết nối với cơ quan quản lý nhà nước, hiến kế điều kiện kinh doanh phù hợp, xây dựng tốt nhất mạng lưới kinh doanh thực phẩm an toàn, đóng góp vào phát triển kinh tế. Qua đó, cũng để các bộ, ngành, ban hành cơ chế chính sách phù hợp, cập nhật nhất đối với từng giai đoạn phát triển. Ngoài ra, người tiêu dùng cần phát huy quyền của người tiêu dùng, cùng nhau đồng hành với doanh nghiệp, góp ý để cung ứng thực phẩm an toàn theo cách thuận tiện và giá cả hợp lý nhất.
Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Trung – TGĐ Công ty cổ phần Masan MaetLife chia sẻ, để kiểm soát được chất lượng an toàn của thực phẩm, không chỉ làm ở phần ngọn mà doanh nghiệp phải làm từ gốc. Đây là mắt xích của chuỗi giá trị từ trang trại đến bàn ăn.
Theo ông Nguyễn Quốc Trung, việc phát triển hệ thống phân phối vô cùng quan trọng, chuỗi phát triển ngoài việc đầu tư của doanh nghiệp ra, quan trọng nhất là nhận thức của người tiêu dùng.
Nguồn: Báo VOV giao thông